Quý bà con thân mến, hiện nay đang trong giai đoạn cao điểm của mùa hè nắng nóng nên nhiều loại sâu bệnh trên cây trồng đang phát triển mạnh, nhất là bọ trĩ. Đây là loại côn trùng phá hoại hầu như tất cả các loại cây trồng và đặc biệt rất khó trị do nó có tính kháng thuốc rất cao. Sau đây, Nông Nhàn sẽ giới thiệu đến bà con cách sử dụng các chế phẩm sinh học giúp phòng trừ bọ trĩ, bà con sẽ không cần lo nó kháng thuốc trừ sâu hóa học như trước đây nữa.
Bọ trĩ hay bà con mình còn gọi là bù lạch, là loài côn trùng có kích rất nhỏ, chỉ dài khoảng 2 mm nên rất khó phát hiện. Bọ trĩ thường có màu vàng đậm hoặc đen, hình thoi dài, có cánh, cuối bụng thon, con non cũng có hình dạng như vậy, nhưng không có cánh và màu xanh nhạt. Chúng đẻ trứng ở các gân lá, trứng mới đẻ có màu trắng, lúc gần nở thì vàng nhạt. Ấu trùng bọ trĩ ngay khi vừa nở ra đã cắn phá, hút nhựa cây. Vì vậy, bà con cần phải thăm vườn thường xuyên, quan sát kỹ các đọt non và mặt dưới của lá, phát hiện sớm bọ trĩ đang gây hại cho cây trồng để phòng trừ, không để nó phát triển mạnh, gây suy yếu thậm chí là chết cây.
Bọ Trĩ (hình ảnh minh họa)
Vòng đời của bọ trĩ thường ngắn (chỉ khoảng 20 ngày) nhưng lại sinh sản rất nhanh và nhiều do nó đẻ nhiều trứng. Chúng có khả năng gây hại ở tất cả loại cây trồng như: cây cảnh, hoa, quả, rau màu và cây ăn trái, lúa… Bọ trĩ gây hại nặng từ giai đoạn cây con đến ra hoa, kết trái. Chúng hút chích nhựa cây làm đọt non bị chết khô, lá xoăn vàng, làm rụng hoa, trái không phát triển, làm da trái gần cuống có màu xám đậm (bà con thường gọi là da cám), ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm, trái xấu không bán được giá.
Trái xoài bị da cám và lá mai non bị xoăn do bọ trĩ cắn phá, hút nhựa (Hình ảnh minh họa)
Khi thời tiết càng khô nóng, thiếu nước, bọ trĩ càng phát triển mạnh. Vì thế, ngoài việc chăm sóc cây tốt, chúng ta nên tưới nước cho cây đều đặn bằng cách dùng vòi phun lên lá cây để cuốn trôi bọ trĩ, hay sử dụng hệ thống phun mưa để tăng ẩm, tạo mát làm hạn chế số lượng cũng như khả năng gây hại của bọ trĩ. Bà con cũng nên chú ý dọn dẹp vườn sạch, cắt bỏ cỏ dại tỉa cành tạo tán, giữ khoảng cách giữ cây trồng, mật độ cây vừa phải, vườn thoáng mát, để bọ trĩ không có chỗ trú ngụ và phát triển.
Bọ trĩ có đặc tính kháng thuốc mạnh và mau quen thuốc, vì thế cần sử dụng những loại thuốc có hiệu quả tác động tiếp xúc mạnh và phải luân phiên thuốc giữa các lần phun. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc trị bọ trĩ trên thị trường, được nhà nông tin dùng phải kể đến là Radiant, Regent, Confidor…
Việc sử dụng thuốc các loại thuốc hóa học này trong các lần đầu thì có tác dụng, nhưng hiện nay đa số bọ trĩ đã tiến hóa rất nhiều, tính kháng thuốc của chúng cũng nâng lên rất cao. Để phòng trừ bọ trĩ một cách lâu dài và bền vững thì bà con nên sử dụng các chế phẩm sinh học sau đây, tuy phải bỏ nhiều công sức hơn và thời gian thực hiện tương đối lâu, nhưng hiệu quả của các biện pháp này sẽ không làm bà con phải thất vọng.
1. Thu hút và nuôi các loài thiên địch ăn bọ trĩ
Bọ rùa, bọ xít,…là những loài côn trùng có lợi, khi ở trong vườn, chúng sẽ giúp loại bỏ các loài gây hại phá hoại như rệp, ve và nhện đỏ…Bọ rùa, bọ xít trưởng thành thường ăn khoảng vài chục con bọ trĩ, rệp, nhện đỏ,…mỗi ngày.
(Hình ảnh minh họa)
Để thu hút và giữ chân các loài thiên địch ở lại khu vườn của mình bà con có thể trồng các loại cây có mùi phấn hoa đặc trưng thu hút bọ rùa như: hoa vạn thọ, thìa là, rau ngò… Và điều quan trọng nhất là cần phải hạn chế dùng thuốc trừ sâu hóa học. Việc sử dụng nhiều thuốc hóa học chỉ làm nâng cao thêm tính kháng thuốc của bọ trĩ và giết chết các loài thiên địch có lợi, bà con cần lưu ý điều này nhé!
2. Dung dịch từ ớt và tỏi, gừng
Ớt, tỏi, gừng…chứa hàm lượng axit lớn, sẽ gây tác động đến các bộ phận và giết chết bọ trĩ. Để làm dung dịch này, bà con cần băm nhuyễn ớt, tỏi, gừng theo tỷ lệ 1: 1: 1, sau đó thêm khoảng 3 lít rượu vào hỗn hợp và để ngâm trong khoảng 15 ngày. Khi phun, bà con hòa dung dịch đã ngâm với nước theo tỷ lệ 200 ml tỏi gừng ớt với 12 lít nước.
Dung dịch tỏi, gừng, ớt này có thể bảo quản lên đến 4 – 5 tháng và thích hợp cho các vườn có số lượng cây ít như cây cảnh, hoa mai,hoa hồng, vườn rau bầu bí trồng tại nhà… Bà con cũng có thể mua các loại chế phẩm được chiết xuất lên men từ tỏi, gừng, ớt về phun cho cây nếu không có thời gian ủ.
3. Dầu khoáng nông nghiệp
Dầu khoáng là chất được chưng cất từ dầu mỏ ở 30-40 độ C có khả năng trừ sâu bọ và cả trứng sâu mà không làm cháy lá cây. Nó dễ bị phân huỷ bởi ánh nắng hoặc vi sinh vật nên không tồn đọng trên nông sản, không độc hại đối với con người, làm giảm ô nhiễm môi trường. Dầu khoáng sẽ như một chất bám dính lên thân của bọ trĩ, bịt các lỗ thở, làm chúng ngạt thở và chết, làm trứng bị ung, đồng thời hạn chế bọ trĩ hại tìm đến hút chích nhựa cây.
Cách thức làm dung dịch dầu khoáng, bà con pha theo tỉ lệ:
5-10 ml dầu khoáng + 1 lít nước sạch
Khuấy đều rồi cho vào bình xịt, phun ướt đều hết mặt lá, thân cây để đạt hiệu quả cao nhất. Chúng ta có thể dùng dầu khoáng để diệt trừ nhện hại, rầy, rệp, bọ trĩ và hạn chế ruồi, sâu đục quả. Tuy nhiên, bà con không nên phun dầu khoáng trong giai đoạn cây ra hoa hoặc dưới trời nắng nóng.
4. Dầu Neem
Dầu Neem là một loại thuốc xịt điều trị bọ trĩ hiệu quả mà không gây hại cho côn trùng có lợi. Cũng giống như dầu khoáng nông nghiệp, nó không giết chết chúng ngay khi tiếp xúc. Mà khi bọ trĩ ăn lá cây có dầu Neem, nó sẽ phá vỡ sự sản xuất hóc-môn bình thường trong cơ thể bọ trĩ. Nó làm cho chúng không ăn hay hút nhựa cây được nữa và cản trở quá trình sinh sản. Ấu trùng ăn phải dầu Neem sẽ rất dễ bị tiêu diệt, nó ngăn cản sự lột xác, đóng kén và trưởng thành ở ấu trùng.
Tinh dầu dầu Neem
Khi phát hiện bọ trĩ bà con có thể pha dung dịch dầu Neem theo tỉ lệ:
5ml dầu Neem + 5 ml nước rửa chén + 1 lít nước sạch
Lắc đều trước khi phun. Phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối vì lúc này bọ trĩ bắt đầu ra khỏi nơi ẩn nấp và hoạt động nhiều. Cách 2 ngày phun 1 lần.
Bà con vẫn nên phun thuốc phun dầu neem theo tỉ lệ sau để phòng tránh tái phát:
2ml Neem + 2 ml nước rửa chén + 1 lít nước sạch
Lắc đều trước khi phun.Tuần phun 1 lần, vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối (lúc trời mát).
Trên đây là những chia sẻ của Nông Nhàn về các đặc điểm của bọ trĩ và các biện pháp sinh học để phòng trừ hiệu quả chúng. Chúc Quý bà con thành công khi các dụng các phương pháp này và có được những vụ mùa như ý! Hẹn bà gặp lại bà con trong những bài viết tiếp theo!