Quả Sầu Riêng Nhiễm Kim Loại Nặng – Cadimi
Từ đầu năm 2024 cho tới nay, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc luôn ở mức cao và mang về nguồn ngoại tệ khổng lồ cho ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Thế nhưng đây cũng là “Con dao hai lưỡi” khi mà việc xuất khẩu trở nên ồ ạt thì một số đơn vị thu mua – xuất khẩu lại chỉ quan tâm đến số lượng chạy theo giá cả mà phớt lờ đi chất lượng trái sầu riêng.
Câu chuyện cắt sầu riêng non vẫn chưa hạ nhiệt thì lại phát hiện hàng loạt các lô sầu riêng nhiễm kim loại nặng làm mất dần uy tín của trái sầu riêng Việt Nam trên đấu trường quốc tế, thế thì nguyên nhân này xuất phát từ đâu và hệ luỵ của nó sẽ ra sao?
Theo thống kê từ phía Trung Quốc, tính từ tháng 5-2023 đến tháng 1-2024 đã có 30 lô sầu riêng bị cảnh báo. Trong đó Lạng Sơn có 7 doanh nghiệp xuất khẩu có lô sầu riêng vi phạm, Tiền Giang 4 doanh nghiệp, Hà Nội 3 doanh nghiệp, còn lại là các doanh nghiệp ở Đồng Nai, Đắk Lắk và TP.HCM.
Cả 30 lô hàng xuất khẩu sầu riêng của nhiều doanh nghiệp khác nhau nhưng lại có điểm chung là bị cảnh báo sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt ngưỡng, có thể phía Trung Quốc đang dành nhiều sự quan tâm đến mối nguy từ chất này nên đã tăng cường kiểm tra, rà soát.
(Theo tuoitre.vn)
Cadimi là gì?
Cadimi là một kim loại nặng có công thức hóa học là Cd, tương đối hiếm, mềm, màu trắng ánh xanh. Cadimi thường kết hợp với các nguyên tố khác tạo thành các hợp chất như cadimi oxit, cadimi clorua, cadimi sunfua, cadimi sunfat.
Cadimi có mặt trong tự nhiên cùng với các hợp chất của kẽm và photpho, nó tồn tại ở các mỏ quặng trong khai thác và sản xuất phân bón, cadimi được cho là chất không cần thiết cho sự sống bởi nó gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và gây ô nhiễm môi trường.
Tuy số lượng lô hàng sầu riêng nhiễm cadimi chỉ chiếm 0,1% tổng số lô hàng được xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy, thông báo của Trung Quốc chưa ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu, tuy nhiên đây cũng là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ đến những nhà xuất khẩu tại Việt Nam.
Nguyên nhân ban đầu
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, thì dưới góc độ chuyên gia ngành bảo vệ thực vật, ông khẳng định, cadimi xuất hiện chủ yếu ở trong phân bón DAP và người dân rất ưa sử dụng loại phân bón này để bón cho sầu riêng bởi nó giúp tăng trưởng nhanh.
Cũng theo ông Nghĩa, vào năm ngoái, các chuyên gia và dư luận đã cảnh báo Cục Bảo vệ thực vật về việc xuất hiện các lô hàng phân bón DAP nhập khẩu từ Hàn Quốc vượt dư lượng cadimi tuồn vào Việt Nam. Các lô sầu riêng xuất khẩu bị nhiễm cadimi vừa qua lại trùng với thời gian nhập phân bón DAP Hàn Quốc.
Thực tế cho thấy, đại đa số các bà con nông dân thường sử dụng phân lân để rải gốc trong giai đoạn kích mầm hoa cho cây sầu riêng, số lượng phân lân rải mỗi gốc lên đến 2-3kg hoặc có khi hơn, thế nên không tránh khỏi nguy cơ tồn dư phân bón đặc biệt là khi phân lân còn lưu tồn cadimi khi các nhà máy sản xuất phân bón vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua bước làm sạch cadimi.
Đây có phải là nguyên nhân chính gây dư lượng cadimi hay chưa thì vẫn chưa có báo cáo xác nhận, tuy nhiêm sắp tới trong quá trình canh tác bà con cũng nên lưu ý sử dụng phân lân với liều lượng phân cân đối hơn.
Bởi bà con nông dân sản xuất đóng vai trò đầu tiên trong chuỗi cung ứng hàng hoá, một khi sản phẩm đã có vấn đề ngay từ khâu sản xuất thì nó dễ dàng gây thất thoát cho cả quá trình, hàng hoá không chất lượng, danh tiếng đã bị ảnh hưởng sẽ tiếp tục tác động trở lại làm giá cả thị trường đi xuống.
Tăng cường cảnh báo từ phía Trung Quốc
Gần đây nhất, vào giữa tháng 06 năm 2024 thì phía Trung Quốc lại tiếp tục phát đi thông báo rằng Việt Nam đã có tổng cộng 77 lô sầu riêng bị nhiễm cadimi, con số đã tăng vọt gấp đôi so với thống kê trước đó. Phía Trung Quốc đã kiên quyết đình chỉ nhập khẩu sầu riêng từ 15 nhà máy đóng gói và 18 vùng nguyên liệu kể từ ngày 12 tháng 06 năm 2024.
Thông báo ngày 12/06/2024 từ phía hải quan Trung Quốc
Nếu các vi phạm còn tiếp diễn nhiều lần mà không tìm ra được giải pháp thích hợp thì không những ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam mà tương lai có thể Trung Quốc sẽ ra đòn “chí mạng” khi ngừng nhập khẩu sầu riêng có nguồn gốc từ Việt Nam.
Trong khi đó, sầu riêng Việt Nam rất có tìm năng từ số lượng, mẫu trái cho đến mùa vụ và ngay cả khoảng cách chúng ta đều ăn đứt nhiều quốc gia khác khi cung ứng cho thị trường to lớn bật nhất là Trung Quốc.
Không nên ngủ quên trong chiến thắng, Việt Nam phải nhanh chống có chiến lược phối hợp bởi nhiều cấp trong chuỗi sản xuất – cung ứng sầu riêng mang tính bền vững, đừng vì cái lợi trước mắt mà mất đi những giá trị tìm năng vô hạn.
Hy vọng bài viết đã cập nhật kịp thời những thông tin thực tế và hữu ích cho bà con.
Hẹn gặp lại bà con ở những bài viết tiếp theo. Chúc bà con vụ mùa bội thu!
Tác giả: Nguyễn Hiền
Mọi thắc mắc về bài viết “Quả sầu riêng nhiễm kim loại nặng – Cadimi”, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY
Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, KDC Vạn Phúc, P Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0902 885 547 – 0902 882 249 – 0932 063 123 – 0902 882 247 – 0909 307 123
Email: kinhdoanh@tincay.com; tincaygroup@gmail.com, tincay@tincay.com
Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com
Youtube: Cty Tin Cậy | Nông Nhàn | Thuỷ Sản Tin Cậy
Facebook: Công Ty Tin Cậy | Thủy Sản Tin Cậy | Thông tin nông nghiệp & chia sẻ