5 Vùng Sản Xuất Sầu Riêng Trọng Điểm Ở Việt Nam
Ở Việt Nam, sầu riêng được trồng chủ yếu ở các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Miền Trung và một số tỉnh thuộc Duyên hải Nam Trung Bộ. Trước đây, diện tích trồng sầu riêng nhỏ lẻ, được xem là cây đặc sản chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.
Trong những năm gần đây, diện tích trồng sầu riêng tăng rất nhanh và trở thành cây ăn trái chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Trong năm 2023, theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, cây sầu riêng được xem là cây tỷ đô vì giá trị xuất khẩu đến tháng 11/2023 đạt gần 2,2 tỉ USD.
Sầu riêng phát triển mạnh đã hình thành nên những vùng trồng và thời vụ thu hoạch khác nhau do khác biệt về điều kiện khí hậu. Để cạnh tranh hiệu quả, nhà vườn cần hiểu rõ thời gian thu hoạch của từng vùng để bố trí thời gian làm bông phù hợp, cũng như áp dụng kỹ thuật xử lý sầu riêng nghịch vụ để bán được giá cao.
1. Vùng trồng Tây Nam Bộ:
Ở khu vực Tây Nam Bộ, sầu riêng được trồng ở ven sông Tiền và sông Hậu. Tập trung nhiều nhất ở tỉnh Tiền Giang (chủ yếu tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành), tiếp theo là tỉnh Bến Tre (tập trung ở huyện Chợ Lách, Châu Thành), Vĩnh Long (tập trung ở các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Mang Thít, Trà Ôn, Long Hồ), Sóc Trăng (tập trung ở huyện Kế Sách), Cần Thơ (chủ yếu ở huyện Phong Điền) và Huyện Phụng Hiệp, Tỉnh Hậu Giang,…
Giống sầu riêng trồng ở khu vực này phổ biến là Ri6, Monthong, Sầu riêng Chuồng bò, 6 Hữu và Khổ qua xanh. Thời gian thu hoạch chính vụ từ tháng 3 – tháng 5 (dương lịch). Nghịch vụ thu hoạch từ tháng 11 – tháng 3 (dương lịch).
2. Vùng trồng Đông Nam Bộ:
Tại Đông Nam Bộ, sầu riêng được trồng nhiều ở các tỉnh Đồng Nai (tập trung ở các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Long Khánh), Bình Dương (tập trung ở các huyện Lái Thiêu, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Tân Uyên), Bình Phước (tập trung ở các huyện Chơn Thành, Bù Đăng, Phước Long), Tây Ninh (chủ yếu ở huyện Gò Dầu). Vùng trồng sầu riêng ở miền Đông Nam bộ hiện nay chủ yếu là đất có độ cao trung bình từ <200m so với mực nước biển.
Ri 6, Monthong là 2 giống sầu riêng phổ biến được trồng phổ biến ở khu vực Đông Nam Bộ, ngoài ra những năm gần đây một số khu vực cũng trồng thêm Musang King. Thời gian thu hoạch sầu riêng từ tháng 4 – tháng 7 (dương lịch). Nhà vườn ở miền Đông Nam bộ chủ yếu canh tác theo điều kiện tự nhiên, rất ít hộ áp dụng kỹ thuật điều khiển ra hoa vụ nghịch.
3. Vùng trồng Tây Nguyên:
Vùng Tây Nguyên, trước đây sầu riêng trồng nhiều ở tỉnh Đăk Lăk (tập trung ở các huyện Krông Pắc, Krông Búk, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ) và gần đây phát triển ở tỉnh Đăk Nông (tập trung ở huyện huyện Đắk R’lấp, Gia Nghĩa, Đắk Song, Đắk Mil…), Lâm Đồng (tập trung ở các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Cát Tiên), Gia Lai (tập trung ở các huyện Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh, Chư Pưh, Đak Đoa, Đức Cơ), Kon Tum (tập trung ở các huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Đăk Hà, Ngọc Hồi, thành phố Kon Tum,…)
Khu vực Tây Nguyên, sầu riêng khi được trồng ở độ cao khác nhau sẽ có thời gian ra hoa và thuc hoạch khác nhau. Cụ thể, Đắk Lắk có độ cao 500 – 600m so với mực nước biển sẽ ra hoa từ tháng 3 – 4 và thu hoạch từ tháng 8 – 9 và vùng có độ cao 800 – 900m như: Krông Năng – Đắk Lắk; Di Linh – Bảo Lộc – Lâm Đồng có thời gian ra hoa từ tháng 4 – 5 và thu hoạch từ tháng 9 – 10.
Trừ khu vực Đạ Huoai, sầu riêng sẽ ra hoa và tháng 1 – 2 và thu hoạch sớm vào tháng 5 – 6, các vùng khác ra hoa từ táng 2 – 3, thu hoạch tháng 6 – 7.
4. Vùng trồng Duyên hải Nam Trung Bộ
Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ gồm 4 tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận. Trong đó, sầu riêng được trồng tiêu biểu ở xã Sơn Lâm, Sơn Bình thuộc huyện Khánh Sơn tỉnh Khánh Hòa. Trở thành đặc sản của vùng núi Khánh Sơn và là “thủ phủ” trồng sầu riêng của tỉnh Khánh Hòa.
Với đặc thù đất đỏ bazan trộn lẫn đất phù sa, độ pH là 5-6 thích hợp trồng các giống sầu riêng Ri 6, Monthong, Chín Hóa. Thời gian thu hoạch vào khoảng tháng 7 hàng năm. Tức là sầu riêng Khánh Sơn thu hoạch muộn hơn sầu riêng miền Tây, Đông Nam bộ tầm 1 – 2 tháng và sớm hơn Tây Nguyên 1 tháng.
Hiện nay, ghi nhận toàn huyện Khánh Sơn có 3.000 hộ trồng sầu riêng với diện tích lên đến 2.500ha, trong đó cây đang trong giai đoạn kinh doanh là 1.200ha. Toàn huyện đến nay đã được cấp 6 mã vùng trồng với diện tích 200ha. Con số về diện tích dự đoán sẽ được mở rộng trong nhiều năm tới.
Ngoài Khánh Hòa, sầu riêng cũng được trồng rải rác ở huyện Hàm Thuận Bắc, Đức Linh của tỉnh Bình Thuận, huyện Sông Hinh, Phú Yên.
5. Vùng trồng duyên hải miền Trung:
Vùng Duyên hải Miền Trung gồm 5 tỉnh và Thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm: Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình và TP Đà Nẵng.
Trong đó huyện Nghĩa Hành thuộc tỉnh Quảng Ngãi trồng sầu riêng nhiều nhất với tổng diện tích gần 121ha cùng nhiều loại cây ăn trái khác như bưởi, mít, chuối,…trở thành vùng chuyên canh cây ăn trái của tỉnh.
Riêng với sầu riêng thích nghi tốt với điều kiện đất đai, khí hậu ở đây nên có mùi vị cũng đặc biệt hơn hẳn. Chính vì thế, sầu riêng trở thành 1 trong 4 loại trái cây cùng: Chuối Ngự, bưởi da xanh, chôm chôm là hàng hóa đặc thù của huyện và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận nhằm tạo dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ngãi.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện diện tích trồng sầu riêng cả nước ước đạt 131.000ha, tăng hơn 24,5% mỗi năm, là tỷ lệ tăng cao nhất trong các loại cây trồng chủ lực hiện nay.
- Vùng Tây Nguyên có diện tích sầu riêng lớn nhất với 51.400ha, sản lượng 336.400 tấn, so với cả nước bằng 46,7% diện tích và 39,6% sản lượng.
- Đứng thứ hai là vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 33.000ha, sản lượng 372.000 tấn, so với cả nước bằng 29,9% diện tích và 43,8% sản lượng.
- Thứ ba là vùng Đông Nam Bộ có diện tích 20.800ha, sản lượng 122.900 tấn, so với cả nước bằng 18,9% diện tích và 14,5% sản lượng.
- Thứ 4 và 5 gồm vùng Duyên hải miền Trung và Duyên hải Nam Trung Bộ có diện tích 5.000ha, sản lượng 17.800 tấn, so với cả nước bằng 4,2 % diện tích và 2,1% sản lượng.
Vùng cao có nhiệt độ thấp nên có thời gian ra hoa và trái phát triển chậm hơn so với vùng đồng bằng từ 20-30 ngày. Ở Tây nguyên vùng có độ cao 700-800 m so với mực nước biển thời gian phát triển trái sầu riêng Monthong kéo dài đến 135-150 ngày. Các giống sầu riêng khác như Ri6, cơm vàng sữa hạt lép, 6 Hữu, Chuồng bò hạt lép đều có thời gian phát triển từ 90-100 ngày sau khi đậu trái.
Vùng trồng sầu riêng ở Việt Nam trải dài từ đồng bằng lên vùng cao nên khí hậu ở từng vùng là yếu tố quyết định và hình thành nên cơ cấu mùa vụ sầu riêng ở Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để sầu riêng Việt Nam cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, giữa các vùng trong cả nước cũng sẽ có sự cạnh tranh lẫn nhau mà để đạt được hiệu quả cao nhà vườn cũng cần hiểu rõ thời vụ của từng vùng.
Tác giả: Huỳnh Trâm
Mọi thắc mắc về bài viết “5 Vùng sản xuất sầu riêng trọng điểm ở Việt Nam”, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY
Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, KDC Vạn Phúc, P Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0932 063 123 – 0902 882 249 – 0909 307 123 – 0903 908 671
Email: kinhdoanh@tincay.com; tincaygroup@gmail.com, tincay@tincay.com
Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com
Youtube: Cty Tin Cậy | Nông Nhàn | Thuỷ Sản Tin Cậy
Facebook: Công Ty Tin Cậy | Thủy Sản Tin Cậy | Thông tin nông nghiệp & chia sẻ