Hiểu Về Phổ Tác Dụng Trong Thuốc Bảo Vệ Thực Vật
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã rất quen thuộc với người làm vườn từ lâu nay, chúng được chia thành nhiều phân loại tùy vào đối tượng dịch hại, cách sử dụng, phương thức tác động,…
Trong đó có định nghĩa phổ tác dụng trong thuốc BVTV là một phân loại thường thấy, tuy vậy không phải ai cũng hiểu ý nghĩa của phân loại này. Do đó Tin Cậy sẽ phân tích định nghĩa phổ tác dụng trong thuốc BVTV cho bà con được rõ.
1. Phổ tác dụng
Phổ tác dụng của thuốc BVTV là số lượng các loài dịch hại mà thuốc có thể phòng trừ được. Thuốc phòng trừ được nhiều loài dịch hại gọi là thuốc phổ tác dụng rộng, phòng trừ được ít loài dịch hại gọi là thuốc phổ tác dụng hẹp (hoặc thuốc chọn lọc).
Trong mỗi nhóm thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ đều có loại thuốc phổ rộng và thuốc phổ hẹp:
- Phổ rộng: thuốc có thể trừ được nhiều dịch hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau.
- Phổ hẹp: (còn gọi đặc trị) thuốc trừ được ít đối tượng gây hại (một loại thuốc trừ dịch hại có tính chọn lọc càng cao thì phổ tác động càng hẹp).
Một ví dụ dễ hiểu hơn là ví như bạn có một bàn đầy các loại món rau (rau muống, xà lách, cải các loại,…), nhưng bạn chỉ ăn được rau muống (hoặc rau muống + xà lách) mà không ăn được mấy loại khác thì gọi là phổ hẹp, còn bạn có thể ăn tất cả hoặc gần như tất cả các loại rau trên bàn thì gọi là phổ rộng.
Phổ tác dụng | Phổ rộng | Phổ hẹp |
Thuốc trừ sâu | Các thuốc trừ sâu gốc Lân hữu cơ, Carbamate và Cúc tổng hợp đều là các thuốc có phổ tác dụng rộng, phòng trừ được nhiều loại sâu miệng nhai và chích hút.
| Các thuốc điều tiết sinh trưởng côn trùng như chất Buprofezin chỉ trừ được sâu chích hút nhóm biến thái không hoàn toàn như rầy, rệp, bọ xít; chất Chlorfluazuron chỉ trừ được sâu non bộ cánh vẩy, là những thuốc có phổ tác dụng hẹp.
|
Thuốc trừ bệnh | Các thuốc trừ bệnh như thuốc gốc đồng, Mancozeb, Zineb, Carbendazim, Benomyl, Propiconazole … là thuốc phổ rộng. | Chất Validamycin chỉ trừ được nấm Rhizoctonia, chất Fthalide chỉ trừ nấm bệnh Đạo ôn, là những thuốc có phổ tác dụng hẹp. |
Thuốc trừ cỏ | Trong các loại thuốc trừ cỏ có các thuốc phổ rộng trừ được nhiều loại cỏ lá hẹp và lá rộng như Butachlor, Pretilachlor, Glyphosate… | Các thuốc Quinclorac, Sethoxydim… chỉ trừ cỏ hòa bản; thuốc 2,4D, Bensulfuron.… chỉ trừ được cỏ năn lác và cỏ lá rộng, là các thuốc có phổ hẹp.
|
2. Ý nghĩa từ phổ tác dụng
- Thuốc trừ sâu phổ rộng thường dễ hại các loài thiên địch hơn thuốc phổ hẹp.
- Các thuốc phổ hẹp tác dụng với đối tượng phòng trừ thường mạnh hơn, nên còn gọi là thuốc đặc hiệu hoặc thuốc chuyên trị.
- Trong trường hợp cần trừ một loài sâu, bệnh hoặc cỏ đang phát triển mạnh thì nên chọn dùng thuốc đặc hiệu.
Khi hiểu được phổ tác dụng của thuốc thì chúng ta có thể dùng hiệu quả hơn, ví như có vườn sầu riêng cần phun thuốc cỏ để diệt hết các loại cỏ trong vườn thì sẽ dùng thuốc cỏ phổ rộng (như Glufosinate ammonium), phun cách xa gốc cây trồng của mình khi đó sẽ diệt hết các loại cỏ hiện có.
Còn trên một ruộng lúa thì chỉ có thể dùng thuốc trừ cỏ lá rộng mà bỏ qua các loại cỏ lá hẹp (hòa thảo) như cỏ lúa, cỏ lồng vực, đuôi phụng thì không bị diệt, nếu phun phổ rộng thì sẽ diệt luôn cả lúa (hòa thảo, lá hẹp) của ruộng trồng.
Về chi phí thì thuốc phổ rộng luôn rẻ hơn thuốc đặc trị phổ hẹp, càng chọn lọc đối tượng hướng đến thì hoạt chất đó càng đắt do cần nhiều công nghệ tách chiết, đóng gói bảo quản, nghiên cứu sâu hơn.
Ví dụ với 100ml thuốc có phổ rộng (như hoạt chất Glufosinate ammonium cỏ cháy nhanh) cần 35.000đ thì 100ml thuốc có phổ hẹp hơn (như hoạt chất S-Metolachlor trừ cỏ lá rộng) cần khoảng 90.000đ. Tuy giá thành cao hơn nhưng thuốc đặc trị sẽ tiêu diệt nhanh gọn đối tượng đang phá hoại cây trồng. Ngoài chi phí thì còn tuỳ vào trường hợp nhận diện dịch hại mà chúng ta có thể chọn thuốc cho phù hợp.
Nếu không thể nhận định được đối tượng đang gây hại thì tất nhiên sẽ chọn thuốc phổ rộng để tiêu diệt hết nguy cơ (và cả thiên địch hay sinh vật có ích khác), còn nếu đủ kiến thức để nhận định đối tượng gây hại (con gì? cây gì? bệnh gì?) thì nên chọn thuốc đặc trị vì có thể tiêu diệt nhanh gọn đối tượng mà còn bảo vệ thiên địch/cây trồng khác.
Mặt khác, sử dụng thuốc phổ rộng thường xuyên sẽ dễ dẫn đến vấn đề kháng thuốc do không dùng đúng hoạt chất, không dùng đúng đối tượng nên không có sự chuyên biệt để tiêu diệt đối tượng mong muốn.
Tham khảo các sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp sạch:
- Đạm cá nước ngọt – Phân cá hữu cơ cho nông nghiệp
- Phân đậu nành – Đạm hữu cơ thuỷ phân từ đậu nành
- Phân Humic hữu cơ 95% Acid Powder
- Phân bón sinh học WEHG – 100% thảo mộc thiên nhiên
- Máy đo pH và độ ẩm đất DM15
- Máy đo EC trong đất HI98331
- Chế phẩm sinh học Em Gốc (EM1)
- Chế phẩm sinh học Em AG (Em gốc) chuyên dùng ủ phân
- Chế phẩm vi sinh cho chăn nuôi EM Ani
- Chế phẩm Trichoderma (Bio-TC)
Trên dây là những thông tin về phổ tác dụng trong thuốc BVTV, hy vọng anh/chị sẽ có thêm kiến thức để lựa chon thuốc phù hợp cho vườn của mình, đúng thuốc đúng lúc đúng liều sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu tư.
Tin Cậy kính chúc quý bà con có những vụ mùa thành công!
Tác giả: Minh Cường
Mọi thắc mắc về “Hiểu về phổ tác dụng trong thuốc bảo vệ thực vật”, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY
Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, KDC Vạn Phúc, P Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0902 882 247 – 0358 867 306 – 0932 063 123 – 0909 307 123 – 0903 908 671
Email: kinhdoanh@tincay.com; tincaygroup@gmail.com, tincay@tincay.com
Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com
Youtube: Cty Tin Cậy | Nông Nhàn | Thuỷ Sản Tin Cậy
Facebook: Tin Cậy Group | Thủy Sản Tin Cậy | Thông tin nông nghiệp & chia sẻ