Hồi Chuông Cảnh Báo Về Chất Lượng Sầu Riêng Việt Nam

Nhớ cách đây khoảng vài năm trước có một loại trái cây từng được xếp trong nhóm tỷ USD của Việt Nam, đó là Thanh Long. Trong nhiều năm liền, thanh long duy trì vị thế ngành hàng hoa quả chủ lực, mang về trên dưới 1 tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Việt Nam, chiếm thị phần 80 – 90%.

Tuy nhiên, kể từ năm 2022, xuất khẩu thanh long bắt đầu lao dốc, không còn duy trì được phong độ như giai đoạn trước. Từ 1,042 tỷ USD (năm 2021), kim ngạch xuất khẩu thanh long giảm xuống 642 triệu USD trong năm 2022. Trong 11 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 557 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Nguyên nhân chính được lý giải là do những năm gần đây, Trung Quốc đã chủ động mở rộng diện tích trồng thanh long. Thậm chí, theo Công ty Truyền thông Sohu, trong năm 2021, Trung Quốc có tới 67.000 ha thanh long với sản lượng 1,6 triệu tấn, trở thành quốc gia có diện tích, sản lượng thanh long lớn nhất thế giới.

hoi chuong canh bao ve chat luong sau rieng viet nam 01

Hành trình thăng trầm của thanh long để lại nhiều bài học đáng suy ngẫm cho sầu riêng. Tương tự thanh long, sầu riêng Việt Nam cũng đứng trước vấn đề cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khác trong khu vực.

Nếu năm 2023, tại thị trường Trung Quốc, sầu riêng Đông Nam Á đến từ 3 nguồn chính là Thái Lan, Việt Nam và Philippines, thì dự báo đến giữa năm 2024, cuộc đua tam mã sẽ chấm dứt, bởi sự xuất hiện của sầu riêng Malaysia. Dự kiến, thời điểm sầu riêng tươi Malaysia bắt đầu tiếp cận thị trường tỷ dân sẽ trùng với lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Malaysia, được tổ chức vào ngày 31/5/2024.

Ngoài ra, bản thân Trung Quốc cũng đang tìm cách tự chủ nguồn cung, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài. Trong năm 2023, Trung Quốc đã thu hoạch vụ sầu riêng đầu tiên sau 4 năm trồng thử nghiệm trên đảo Hải Nam. Dù hương vị chưa thể so sánh với sầu riêng Đông Nam Á, nhưng Trung Quốc đã tích cực áp dụng các công nghệ nông nghiệp thông minh vào quá trình trồng trọt, tự động hóa việc bón phân và tưới nước.

hoi chuong canh bao ve chat luong sau rieng viet nam 02

Không những thế, Trung Quốc còn thuê đất tại Lào, quốc gia có khí hậu và nhiệt độ tương đồng Việt Nam, để trồng sầu riêng, với mục tiêu tận dụng nguồn nhân công rẻ tại Lào cùng tuyến đường sắt cao tốc nối liền từ Lào đến Vân Nam Trung Quốc nhằm tối ưu vận chuyển.

Như vậy, để tiếp tục duy trì vị thế xuất khẩu tỷ USD trong tương lai, sầu riêng Việt Nam cần duy trì tốt chất lượng, tránh tăng trưởng quá nóng và chỉ tập trung vào số lượng.

hoi chuong canh bao ve chat luong sau rieng viet nam 03

Nói về sầu riêng Việt Nam xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc không được đánh giá cao bằng sầu riêng Thái Lan do thiếu tiêu chuẩn trước khi xuất khẩu, Thái Lan có những chính sách, luật áp dụng vào ngành hàng này. Thậm chí họ đã làm khắt khe hơn tiêu chuẩn của nước nhập khẩu như tự động đưa tiêu chuẩn về chất khô trong trái sầu riêng lên đến 32% (bình thường chất khô sẽ chiếm 28-29%).

Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sầu riêng phải đạt độ khô 32%, khi đó cơ quan quản lý nhà nước của Thái Lan mới cho phép doanh nghiệp mở tờ khai để xuất khẩu lô hàng đó. Việc này mang lại giá trị cao cho ngành hàng tỉ đô của họ.

Điều này cho thấy Thái Lan rất quan tâm, chú trọng chất lượng sầu riêng trước khi xuất khẩu. Trong khi đó, chúng ta đang thả nổi chất lượng, để các doanh nghiệp làm một cách đối phó, gần như không theo một quy định nào về chất lượng trước khi xuất khẩu.

Dẫn chứng là gần đây 30 lô hàng sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị trả về vì nhiễm kim loại nặng Cadimi đây quả thực là một điều đáng quan ngại.

Từ câu chuyện Trung Quốc cảnh báo 30 lô sầu riêng xuất khẩu nhiễm Cadimi hay Nhật Bản tiêu hủy 2 lô hàng sầu riêng và ớt của Việt Nam cho thấy nguy cơ mất thị trường xuất khẩu vẫn luôn hiện hữu cho các nhà xuất khẩu nông sản Việt nếu còn không chú trọng đến mặt chất lượng.

Nhất là khi các tiêu chuẩn về sạch và xanh ở các thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe, đòi hỏi ngành hàng này có những thích ứng tích cực và đầy đủ hơn để vừa phát triển thị trường xuất khẩu vừa tăng lợi thế cạnh tranh.

hoi chuong canh bao ve chat luong sau rieng viet nam 04

Trước đây, Trung Quốc chỉ quan tâm đến các yếu tố bên ngoài sản phẩm như sâu bọ, nấm bệnh… thì cảnh báo mới cho thấy họ đang quan tâm nhiều hơn tới những thứ bên trong của sản phẩm. Cũng có nghĩa là thị trường Trung Quốc giờ cũng khó tính ngang với các thị trường EU, Nhật Bản hay Mỹ.

Đây là thị trường lớn và đang phát triển rất mạnh, tại thị trường này, dù kim ngạch của VN đứng thứ 2 sau Thái Lan nhưng chất lượng và giá trị đứng thứ 3 sau Malaysia và Thái Lan.

Chính vì vậy, nếu chúng ta không quản lý và nâng cao được chất lượng sẽ để mất thị phần vào tay các đối thủ rất mạnh là Thái Lan và Malaysia.

Bản thân nông hộ và các doanh nghiệp nếu vẫn không tuân thủ quy trình để xuất khẩu đi bị tồn dư hóa chất thì chính họ tự phá hủy uy tín và cơ hội của mình. Hơn thế nữa, nếu ngành hàng liên tục bị cảnh báo vi phạm chất lượng thì sẽ có nguy cơ rút mã số xuất khẩu và mã số vùng trồng, khi đó sẽ ảnh hưởng nặng nề thương hiệu sầu riêng Việt Nam nói riêng và toàn ngành rau quả nói chung.  

Tác giả: Minh Như

Mọi thắc mắc về bài viết “Hồi chuông cảnh báo về chất lượng sầu riêng Việt Nam”, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY

Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, KDC Vạn Phúc, P Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0902 885 547 – 0902 882 249 – 0932 063 123 – 0902 882 247 – 0909 307 123

Email: kinhdoanh@tincay.com; tincaygroup@gmail.com, tincay@tincay.com

Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com

Youtube: Cty Tin Cậy | Nông Nhàn | Thuỷ Sản Tin Cậy

Facebook: Công Ty Tin Cậy  | Thủy Sản Tin Cậy | Thông tin nông nghiệp & chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo