Sử Dụng Đúng Chức Năng Của Phân Vi Lượng
Trong canh tác cây trồng thì vấn đề cung cấp dinh dưỡng luôn được quan tâm hàng đầu, bao gồm: Cây cần nguyên tố dinh dưỡng nào? Liều lượng bao nhiêu là đủ? Cách bón như thế nào? Cần bón vào thời điểm nào?…
Nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng
Nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng nói chung và cây sầu riêng nói riêng đều cần 17 loại nguyên tố dinh dưỡng, trong đó có 7 nguyên tố đa lượng là cây cần sử dụng nhiều nhất (C, O, H, N, P, K, Ca, Mg và S) và có 8 nguyên tố vi lượng là cây cần sử dụng ít nhưng không thể thiếu (Cu, Mn, Zn, B, Fe, Cl, Mo và Ni). Ngoài ra, còn có một số chất cần thiết cho cây nhưng ít được nhắc đến là Si và Co.
Trong số các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây, nguyên tố carbon (C), oxy (O) và hydro (H) chiếm đến 95% khối lượng của cây, các nguyên tố này được hấp thụ qua quá trình quang hợp từ nước và không khí, các chất còn lại chiếm 5% được hấp thụ thông qua nguồn dinh dưỡng từ đất và từ phân bón lá.
Tuy sự hiện diện của các nguyên tố trong cây là nhiều ít khác nhau nhưng chúng đều có vai trò và chức năng hỗ trợ lẫn nhau trong suốt quá trình sống của cây, liên quan đến các quá trình sinh lý, sinh hóa bên trong cây, việc bổ sung thừa hay thiếu các nguyên tố dinh dưỡng đều có ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cây trồng.
Con đường hấp thu dinh dưỡng vi lượng ở cây trồng
Dinh dưỡng trong đất và cây trồng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển và năng suất của cây trồng nói chung. Tuy nhiên, đối với cây sầu riêng, sự tương tác hay mối quan hệ giữa các mức dinh dưỡng và năng suất của cây sầu riêng vẫn chưa được làm rõ.
Đối với phân bón qua lá là loại phân có thành phần gồm các nguyên tố đa, trung và vi lượng, chất kích thích sinh trưởng, vitamin… là sản phẩm được bà con nông dân sử dụng phổ biến nhưng chỉ mới dừng ở mức độ như “Thuốc dưỡng lá”, “dưỡng bông”, “dưỡng trái” sử dụng chung chung với các thuốc phòng trừ sâu, rầy, thuốc bệnh xịt qua lá. Trong khi cung cấp nguồn dinh dưỡng qua lá là một kỹ thuật cung cấp phân bón rất hiệu quả và kịp thời nếu được sử dụng đúng, nhất là trong cung cấp các nguyên tố vi lượng tại chỗ.
Bổ sung phân vi lượng định kỳ
Trên thị trường có những loại sản phẩm “phân bón lá” có thể sử dụng để cung cấp nguồn dinh dưỡng qua lá cho cây sầu riêng, trong đó phổ biến gồm các sản phẩm có chứa Ca, B vì Ca, B, K, và Mg là các chất cần thiết cho quá trình nảy mầm, và phát triển của ống phấn của sầu riêng khi đậu trái, bổ sung đầy đủ các chất này giúp tăng khả năng đậu trái.
Tuy nhiên, bản thân Ca, Mg và K có sẵn trong cây có thể dùng đủ cho hạt phấn nhưng lại thiếu nguyên tố B. Do đó, trong quy trình quản lý dinh dưỡng cho cây sầu riêng tại Thái Lan đã khuyến cáo phun phân canxi bo qua lá ở giai đoạn 6 tuần sau khi xuất hiện mầm hoa (hoa được khoảng 45 ngày).
Cách sử dụng phân bón vi lượng hiệu quả
- Cần quan sát sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng tại từng thời điểm và lưu ý trong suốt quá trình chăm sóc đã sử dụng phân thuốc gì trên cây trồng.
- Có sự tìm hiểu về các sản phẩm chuẩn bị sử dụng và hiểu về các nguyên tố vi lượng cây trồng cần sử dụng.
- Cần đọc kỹ tác dụng của thuốc và hướng dẫn sử dụng in trên bao bì, tránh sử dụng sai loại phân, phun không đúng liều lượng, không đúng chủng loại cây trồng (thực hành phương pháp 4 đúng).
- Phun ướt đẫm lá để phân có điều kiện tiếp xúc càng nhiều với bề mặt lá thì càng tốt. Với cây hai lá mầm như cà chua, cam, quýt,… nên phun tập trung mặt dưới lá. Với cây một lá mầm như lúa, bắp thì phun đều cả hai mặt lá. Khi phun thì cũng cần đủ lượng nước để dung dịch phun tiếp xúc đều tán lá.
- Lưu ý sự tương tác khi phối trộn phân vi lượng với các loại phân bón khác. Đối với thuốc trừ sâu phân bón lá có thể pha chung, nhưng phải tiến hành phun ngay sau khi pha. Không được pha chung với thuốc trừ cỏ và thuốc trừ bệnh, vì các phản ứng hoá học sẽ làm mất hiệu lực của cả hai.
- Có thể phun định kỳ 2 lần/tháng giai đoạn cây đi cơi đọt mới và giai đoạn chuẩn bị ra bông, đậu trái non. Có thể hòa phân bón lá để phun lên lá hoặc tưới vào gốc (thường áp dụng với thời kỳ cây con).
- Chọn thời điểm phun phù hợp, không phun khi trời nắng to và khi trời sắp mưa vì có thể gây ra cháy lá, giảm hiệu lực của phân. Tốt nhất là phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát.
- Khi nhiệt độ quá cao, đất bị khô hạn nặng không nên sử dụng phân bón lá vì dễ gây rụng lá.
- Không sử dụng phân bón lá lúc cây đang ra hoa, lúc trời nắng vì sẽ làm rụng hoa trái và làm giảm hiệu lực phân.
- Không nên nhầm lẫn phân bón lá với chất kích thích sinh trưởng cây trồng vì mỗi loại có tác dụng khác nhau. Trong chất kích thích không có chất dinh dưỡng. Nếu muốn vừa kích thích vừa cung cấp dinh dưỡng thì dùng loại phân bón lá có chất kích thích hoặc pha chung phân bón lá với chất kích thích.
- Phân bón lá không thể thay thế được phân bón gốc. Bón phân vào đất vẫn là biện pháp bón phân chủ yếu và chỉ nên phun phân bón lá ở những thời điểm cần thiết.
Vừa rồi là phần chia sẻ của tôi về các vấn đề xoay quanh phân vi lượng, tôi hy vọng rằng bài viết này có thể giúp ích được quý bà con. Cảm ơn quý bà con đã quan tâm đến bài viết này, hẹn gặp lại quý đọc giả ở các bài viết sau.
Chúc quý bà con thật nhiều sức khỏe và vụ mùa bội thu!
Tác giả: Thiên Nhiên
Mọi thắc mắc về bài viết “Sử dụng đúng chức năng của phân vi lượng”, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY
Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, KDC Vạn Phúc, P Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0902 885 547 – 0902 882 249 – 0932 063 123 – 0902 882 247 – 0909 307 123
Email: kinhdoanh@tincay.com; tincaygroup@gmail.com, tincay@tincay.com
Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com
Youtube: Cty Tin Cậy | Nông Nhàn | Thuỷ Sản Tin Cậy
Facebook: Công Ty Tin Cậy | Thủy Sản Tin Cậy | Thông tin nông nghiệp & chia sẻ