Kết Quả Bất Ngờ Tại Vườn Chú Bảy

Quay lại cập nhật vườn sầu riêng 4,5 năm trên đồi của chú 7 tại Đạ Huoai, Lâm Đồng. Vườn có 700 cây, năm trước chú Bảy thu bói được 120 cây với số tiền 1,1 tỉ đồng và điều đặt biệt là các cây đều ra bông tự nhiên khi không rải lân, không phun tạo mầm. Năm nay bước vào chính vụ, các cây tiếp tục ra mắt cua tự nhiên khi chưa cần kích bông, các cô/chú anh/chị có muốn biết quy trình làm bông của chú Bảy trong vụ này như thế nào không?

Phun hay không phun kích bông

Thời điểm tôi cập nhật vườn là vào cuối tháng 11 dương lịch, các cây đã đồng loạt sáng mắt cua và để an tâm cũng như kích bông được đều hơn thì chú Bảy có phun 1 lần kích bông với liều lượng 1kg 10-60-10 + 0,5kg Lân 86 + 1 gói sâu rầy cho phuy 200 lít nước.

Xịt kích bông ngày 23.11.2023
Xịt kích bông ngày 23.11.2023

Có một chuyện không may đã xảy ra, đó là thời tiết. Chú Bảy phun kích bông vào buổi sáng thì đến chiều muộn mưa đã trút xuống mang theo nỗi lo to lớn là đen mắt cua hoặc chuyển thành mầm lá. Các mắt cua mới nhú sẽ dễ đi vào miên trạng gây đen mắt cua khi gặp lượng mưa chỉ từ 10mm/ngày.

Cũng may là phun kích bông vào buổi sáng đến chiều muộn mới mưa, nên lượng thuốc cũng đã ngấm được phần nào và đa phần các mắt cua đều đã sáng rõ, do đó sau khoảng 5 ngày các mắt cua đã phát triển dần thành búp bông. Sau 30 ngày, tôi quay trở lại vườn chú Bảy cập nhật và rất phấn khởi cùng chú Bảy thăm vườn khi nhìn thấy các mắt cua và nỗi lo của hai chú cháu đến nay đã thay bằng những búp bông 20-25 ngày tuổi.

Búp 20-25 ngày cập nhật ngày 20.12.2023
Búp 20-25 ngày cập nhật ngày 20.12.2023

Cần làm gì tiếp theo

Khi cây đã ra mắt cua đồng đều được 1cm tiến hành tưới nước, chú ý tưới từ từ dần về lượng nước nhiều như bình thường để tránh sốc nước sau thời gian dài xiết nước khô hạn. Nếu cây bị sốc nước sẽ dễ gây đen mắt cua hay bị rụng bông.

Vẫn tiếp tục phun xịt sâu rầy bảo vệ dàn lá nuôi bông, nuôi trái sau lần này. Vào giai đoạn chuyển từ mùa mưa sang mùa khô nhện đỏ sẽ bắt đầu xuất hiện và cả mọt đục cành, do đó cần chủ động phối thêm thuốc diệt nhện đỏ và thuốc mọt phun ít nhất 1 lần/tháng hoặc phun theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Bón phân nuôi búp cần xem xét lượng bông, lượng cành tán và khả năng đi đọt của cây để lựa chọn loại phân nào và liều lượng ra sao.

Cây nhanh đi đọt, lượng cành tán và lượng mắt cua nhiều: 20-20-15; 20-10-10…

Cây đi đọt ít, lượng cành tán và mắt cua ít: 15-15-15; 16-16-16; 17-17-17; 18-18-18…

Lượng bón: 300-500g/gốc có thể tăng giảm liều lượng theo từng cây

Bón phân giai đoạn búp 20-25 ngày

Giai đoạn này có thể dùng phân hữu cơ để giữ ẩm đất và cung cấp dinh dưỡng từ từ với liều lượng 1-2kg/cây.

Dàn lá hiện tại đã già khi búp được 20-25 ngày và đối với sức của cây tơ đang sinh trưởng mạnh nên nguy cơ cây đi đọt vào giai đoạn bông xổ nhụy là rất cao. Đề ngăn chặn nguy cơ này chú Bảy đã thúc lượng phân khá nhiều gần 1kg phân NPK 20-20-15 cho mỗi gốc để vừa nuôi bông vừa kích đọt. Theo khuyến cáo, thì sau khi mắt cua được 2-3cm có thể dùng phân với lượng đạm cao để kích đọt và nuôi bông, tuy nhiên tùy vào dàn lá thực tế mà mỗi nhà vườn sẽ chọn cách xử lý khác nhau.

Trường hợp 1: Dàn lá đã già khi mắt cua mới nhú

Khi mắt cua được 2-3cm dùng 30-10-10; 20-10-10 hoặc các phân NPK có đầu đạm cao, liều dùng từ 300-500g/gốc (tăng giảm tùy vào mỗi cây). Ngoài ra, có thể dùng đạm cá/đạm đậu nành + phân humic để kích thích cây đi đọt và nuôi bông phát triển, đối với phân hữu cơ dạng nước như đạm cá và đạm đậu cây có thể nhanh hấp thu, lành tính và an toàn cho đất, đỡ thoái hóa, bạc màu đất do sử dụng liên tục phân hóa học giai đoạn nuôi trái.

Trường hợp 2: Cây đi đọt giai đoạn búp 20 ngày

Vẫn áp dụng liều lượng phân bón tương tự như trường hợp 1 và có thể sử dụng thêm GA3 kích thích đọt bung nhanh và mạnh hơn, kịp lụa lá trước khi xổ nhụy.

Dàn lá chuẩn bị đi đọt khi búp 20-25 ngày
Dàn lá chuẩn bị đi đọt khi búp 20-25 ngày

Trường hợp 3: Cây đi đọt giai đoạn 15 ngày trước xổ nhụy

Bằng mọi cách phải chặn đọt, không được để cây đi đọt trong giai đoạn này vì khi cây đi đọt sẽ cạnh tranh mạnh về dinh dưỡng, đến thời điểm xổ nhụy khiến bông kém thụ phấn, rụng trái non hàng loạt.

Vừa rồi là phần cập nhật của tôi về vườn sầu riêng của chú Bảy tại Đạ Huoai, mong rằng với cách làm và những lưu ý trên có thể giúp ích được quý cô/chú anh/chị. Cảm ơn quý bà con đã theo dõi và hẹn gặp lại quý bà con ở các bài viết sau.

Chúc quý bà con thật nhiều sức khỏe và vụ mùa bội thu!

Tác giả: Thiên Nhiên

Mọi thắc mắc về bài viết “Kết quả bất ngờ tại vườn chú Bảy”, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY

Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, KDC Vạn Phúc, P Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0902 885 547 – 0902 882 249 – 0932 063 123 – 0902 882 247 – 0909 307 123

Email: kinhdoanh@tincay.com; tincaygroup@gmail.com, tincay@tincay.com

Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com

Youtube: Cty Tin Cậy | Nông Nhàn | Thuỷ Sản Tin Cậy

Facebook: Công Ty Tin Cậy  | Thủy Sản Tin Cậy | Thông tin nông nghiệp & chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo