Với nhiều ưu điểm vượt trội, giun quế (trùn quế) là một thành phần tích cực trong chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, thân thiện với môi trường và có thể triển khai dễ dàng ở mọi địa bàn, kể cả ở vùng sâu, vùng xa. Không giống như phân chuồng,
Phân trùn được hấp thu ngay một cách dễ dàng bởi cây trồng. Phân trùn không chỉ kích thích tăng trưởng cây trồng mà còn tăng khả năng duy trì giữ nước trong đất và thậm chí còn có thể ngăn ngừa các bệnh về rễ.
Xây dựng các cơ sở tái chế rác thải hữu cơ ở vùng nông thôn không phải là việc đơn giản. Trong khi đó, ngành chăn nuôi rất cần prôtêin đểsản xuất thức ăn vàchủ yếu sử dụng bột cá (phần lớn là NK) cho mục đích này. Tuy nhiên, có một khả năng tái sử dụng với hiệu quả cao các chất thải hữu cơ như vậy, bằng cách áp dụng công nghệ enzym phân hủy chất thải để làm thức ăn nuôi giun quế, sau đó dùng giun quế làm nguồn prôtêin gốc động vật bổ sung thức ăn chăn nuôi. Phân giun quế và mùn bã sau quá trình nuôi giun là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt. Đây là mô hình đòi hỏi đầu tư rất thấp, có thể mở rộng từ từ, phù hợp với cả các hộ nghèo nông thôn; sản xuất bền vững, sạch, thân thiện với môi trường.
Anh Xuân chia sẻ, giun quế (Perionyx excavatus) là động vật thuộc ngành giun đốt, thường sống trong môi trường giàu mùn bã hữu cơ vùng nhiệt đới. Thân giun hơi dẹt, màu từ đỏ đến nâu sẫm, hai đầu hơi nhọn. Cá thể trưởng thành dài khoảng 10-15cm, bề ngang thân 1-2 mm. Thân giun gồm nhiều đốt, trên mỗi đốt có vành tơ. Giun có thể di chuyển khá nhanh, thậm chí có thể bò lên các bức tường thấp nhờ co duỗi các đốt kết hợp với lông tơ bám vào đất. Đây là đặc điểm cần lưu ý khi xây dựng công trình nuôi, tránh giun thoát ra ngoài.
Giun rất nhạy cảm ánh sáng, nhiệt độ, độ mặn và độ ẩm. Nhiệt độ thích hợp nhất nằm trong khoảng 20 – 30oC, khoản pH khá rộng, từ 4 – 9, thích hợp nhất là 7,0 – 7,5, nếu pH quá thấp, chúng sẽ bỏ đi. Ởnhiệt độ khoảng 30oC, pH và độ ẩm thích hợp, thức ăn giàu dinh dường, giun sinh trưởng và sinh sản rất nhanh. Ở nhiệt độ thấp dưới 15oC, giun giảm dần đến ngừng hoạt động, nhiệt độ quá thấp có thể chết. Nhiệt độ quá cao giun cũng bò đi hoặc chết. Khi bị chiếu sáng, giun chui xuống lớp đất dưới để ẩn nấp. Đây là đặc điểm giúp thu hoạch giun hoặc các sản phẩm phân giun, sinh khối rất dễ dàng.
Giun quế hô hấp qua da, có khả năng hấp thụ ôxy cả trong môi trường nước, do đó giun có thể sống lâu dài trong nước, thậm chí lên tới vài tháng. Giun quế thích nghi với phổ thức ăn khá rộng, gồm bất kỳ chất thải hữu cơ nào có thể phân hủy trong tự nhiên (rác đang phân hủy, phân gia súc, gia cầm…).
Giun ăn thức ăn qua lỗ miệng, lượng tiêu thụ thức ăn hằng ngày khoảng bằng trọng lượng cơ thể. Trong ống tiêu hóa của giun có nhiều vi khuẩn cộng sinh. Khi thải ra ngoài cơ thể, phân giun chứa rất nhiều vi sinh vật cộng sinh tồn tại dưới dạng kén dinh dưỡng một thời gian dài. Đó là lý do vì sao phân giun có hàm lượng dinh dưỡng cao và có tác dụng cải tạo đất tốt hơn các loại phân hữu cơ phân hủy khác.
Phân giun còn chứa các khoáng chất cây trồng có thể hấp thụ trực tiếp, không như những loại phân hữu cơ khác phải được phân hủy trong đất trước khi cây hấp thụ. Hơn nữa, phân giun không có mùi hôi thối như các loại phân gia súc, gia cầm, có thể lưu giữ lâu ngày trong túi nilon mà không bị mốc, thuận lợi cho việc bảo quản và vận chuyển. Indol Acetic Acid (IAA) có trong phân giun là chất kích thích hữu hiệu, giúp cây trồng tăng trưởng tốt, có thể ngăn ngừa các bệnh về rễ và nhiều bệnh khác của cây trồng.
Hiện nay, phân giun quế thường được sử dụng để kích thích sự nẩy mầm và phát triển của cây trồng; điều hòa dinh dưỡng và cải tạo đất, làm cho đất luôn màu mỡ và tơi xốp; dùng bón lót cho cây và rau quả; làm phân bón lá hảo hạng và có khả năng kiểm soát sâu bọ hại cây trồng được thị trường rất ưa chuộng.
Hàm lượng protein thô chiếm 70% trọng lượng thịt giun khô, tương đương với bột cá chất lượng cao, thường dùng trong thức ăn chăn nuôi. Giun còn hội đủ 12 loại axit amin, giàu vitamin, chất khoáng cần thiết cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Đặc biệt, giun còn có các loại kích thích tố sinh trưởng tự nhiên mà trong bột cá không có. Thức ăn chăn nuôi có bột giun sẽ không có mùi tanh và khét của cá và dầu cá, rất hấp dẫn vật nuôi, lại bảo quản được lâu hơn thức ăn có dùng bột cá.
Theo W.T. Mason (Đại học Florida – Mỹ), thịt giun, nhất là giun tươi, là thức ăn lý tưởng để nuôi thủy sản, sản xuất con giống ba ba, rùa, lươn, tôm, cá chình. Với cá tầm, nếu cho ăn giun tươi hằng ngày bằng 10 – 15% trọng lượng cơ thể, tốc độ sinh trưởng sẽ tăng từ 15 đến 40%, năng suất trứng tăng trên 10%. Nếu trộn 2 – 3% bột giun vào thức ăn, năng suất nuôi cá tăng 30%, giá thành thức ăn giảm 40% – 60%, đồng thời tăng sức sinh sản và sức kháng bệnh của tôm cá.
Thịt giun quế còn chứa trên 8% axit glutamic, kích thích sự bắt mồi, vật nuôi ăn khỏe, chóng lớn, đẻ khỏe, ít bệnh tật và sẽ cho thịt thơm ngon hơn hẳn so với vật nuôi thông thường. Vì vậy ngày càng có nhiều hãng sản xuất thức ăn công nghiệp quan tâm đưa bột giun vào thành phần thức ăn chăn nuôi để tạo sự khác biệt so với thức ăn thông thường, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Hiện nay, ở Việt Nam, giun quế thường được nuôi kết hợp ở các hộ gia đình chăn nuôi, nhất là nuôi gia cầm, để tận dụng chất thải hữu cơ và sử dụng giun trực tiếp làm thức ăn chăn nuôi; người nuôi ít được tư vấn kỹ thuật, không tạo ra sản phẩm quy mô lớn. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những cơ sở nuôi giun quế công nghiệp, đưa ra thị trường những sản phẩm như giun tươi và đông lạnh, bột giun khô, dịch giun, phân giun, v.v…